Tin tức và sự kiện

Nâng cao nhận thức chủ động phòng tránh bệnh Thalassemia
26/12/2024
Ngày 26/12 là ngày Dân số Việt Nam – một trong những thách thức đối với vấn đề nâng cao chất lượng dân số hiện nay là bệnh Thalassemia, hay còn gọi là tan máu bẩm sinh. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng hơn 14 triệu người mang gene bệnh Thalassemia, chiếm khoảng hơn 13% dân số. Đáng lo ngại, trung bình mỗi năm, lại có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị Thalassemia. Bệnh Thalassemia là bệnh di truyền, không chỉ gây ra nỗi đau dai dẳng cho bệnh nhân, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, suy giảm sự phát triển giống nòi. Căn bệnh này tuy khó chữa, song có thể phòng tránh được khi người dân hiểu biết đầy đủ về bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Khoa máu thận, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đang quản lý, điều trị gần 500 bệnh nhân bị bệnh Thalassemia; trong đó có khoảng 380 bệnh nhân phải truyền máu thường xuyên, trung bình từ 4 – 8 lần/năm. Đa phần bệnh nhân là người dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi. Có rất nhiều gia đình có 2, 3 trẻ cùng mắc bệnh, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, thương tâm.

Bác sỹ CKII Nguyễn Thúy Hạnh, Trưởng khoa Máu thận, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: “Bệnh này do di truyền, mà tỷ lệ ở miền núi khó khăn cao, nên cuộc sống gia đình người bệnh khá khó khăn. Có nhiều đợt điều trị còn thiếu máu nên bệnh nhân phải chờ càng vất vả…”,
Bệnh Thalassemia được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm 1960. Hiểu đơn giản, Thalassemia là bệnh rối loạn máu, thiếu máu do tan máu di truyền. Đa phần, người bị bệnh Thalassemia thường chậm phát triển thể chất và có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu, quá tải sắt gây ra.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân bị bệnh Thalassemia. Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện miền núi, dân tộc thiểu số có xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Ngọc Lặc… Bệnh Thalassemia là bệnh di truyền, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng dễ phòng. Chỉ cần xét nghiệm trước khi kết hôn, chẩn đoán trước sinh, nhiều trẻ đã không bị mắc căn bệnh quái ác này.

Bác sỹ CKII Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Để giảm được bệnh này, ít nhất trong 20 – 30 năm, những ông bố bà mẹ có mang gen bệnh này sẽ không di truyền cho con. Các xét nghiệm, biện pháp để phòng bệnh này cũng rất đơn giản, có thể làm từ bệnh viện cấp huyện trở lên, thậm chí trạm y tế xã nếu có đủ máy móc”.
Cùng với những ảnh hưởng tiêu cực về sức khoẻ, việc điều trị Thalassemia còn là gánh nặng kinh tế vô cùng lớn, làm suy giảm sự phát triển giống nòi. Do đó, để Thalassemia không còn là gánh nặng, mỗi người dân hãy nâng cao kiến thức về căn bệnh để chủ động phòng tránh.
THÙY DUNG – CAO TÙNG
Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 26/12/2024
Link bài viết tại đây.