Tin tức và sự kiện

Có bao nhiêu hệ nhóm máu?

Có bao nhiêu hệ nhóm máu?

25/11/2024

Chúng ta vẫn thường nghe thấy và nhắc đến nhóm máu của bản thân mình là nhóm: O, A, B hay AB. Đó chính là các nhóm máu của hệ ABO.

Với những người có nhóm máu hiếm ở nước ta, chúng ta vẫn thường nghe thấy nói đến nhóm máu hiếm Rh(D) âm. Đó chỉ một trong nhiều nhóm máu của hệ nhóm máu Rh.

Hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh là quan trọng nhất trong thực hành truyền máu.

Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Năm 2004, ngày sinh của ông được Tổ chức Y tế Thế giới chọn là Ngày Quốc tế người hiến máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Tính đến tháng 10/2024, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 47 hệ nhóm máu hồng cầu với 366 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với 56 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất. Tiếp đến là hệ MNS với 50 kháng nguyên và hệ nhóm máu Kell có 38 kháng nguyên.

Sự đa dạng của các kháng nguyên nhóm máu là thách thức vô cùng lớn trong đảm bảo an toàn truyền máu. Nhiều trường hợp việc truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và hệ Rh là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Giải thích của bác sĩ về truyền máu hòa hợp phenotype và hành trình đi tìm “máu chọn” của người bệnh.

Dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của các kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu mà phân loại thành các nhóm máu khác nhau. Tần suất xuất hiện của nhóm máu và kiểu hình nhóm máu rất khác nhau giữa các chủng tộc, khu vực và quốc gia. Nhóm máu này có thể là hiếm ở người da trắng, nhưng chưa chắc đã hiếm ở người châu Á và ngược lại.

Hệ nhóm máu ABO và sự xuất hiện hay vắng mặt của kháng nguyên A, B của hệ nhóm máu này tạo thành 4 nhóm máu (thiết kế: Quang Hải)

  • Người nhóm máu A: Có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu, có kháng thể chống B trong huyết tương.
  • Người nhóm máu B: Có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu, có kháng thể chống A trong huyết tương.
  • Người nhóm máu AB: Có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu. Không có kháng thể chống A, B trong huyết tương.
  • Người nhóm máu O: Không có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu. Có kháng thể chống A và kháng thể chống B trong huyết tương.

Ở Việt Nam, tỷ lệ các nhóm máu của hệ nhóm máu ABO như sau: nhóm O chiếm 45% dân số nước ta, tiếp đến là nhóm B (30%), nhóm A (20%) và nhóm AB (5%).

Hội Truyền máu Quốc tế quy ước: một kháng nguyên nhóm máu hay kiểu hình (gọi tắt là nhóm máu) có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.

Tại Việt Nam, một trong những nhóm máu hiếm hay nhắc đến là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng ở châu Âu hay nhiều nước lại không phải là hiếm, vì có thể chiếm tới 15 – 40% dân số.

Cũng theo quy ước trên, nhóm máu AB mặc dù có tỉ lệ thấp hơn so với các nhóm máu khác của hệ nhóm máu ABO nhưng không được coi là nhóm máu hiếm (vì chiếm tới 5% dân số). Nhóm này chỉ hiếm khi là nhóm AB Rh(D) âm.

Nguồn: Vienhuyethoc.vn

https://vienhuyethoc.vn/co-bao-nhieu-he-nhom-mau/