Tin tức và sự kiện

Triển khai thực hiện Dự án “Phòng, chống bệnh Thalassemia” tại Thanh Hóa
08/11/2022
Sáng 8-11, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Dự án “Phòng, chống bệnh Thalassemia” tại tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh thiếu máu tan máu di truyền gây ra do giảm hoặc mất sự tổng hợp một loại chuỗi Globin của phân tử hemoglobin (huyết sắc tố). Bệnh Thalassemia là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường. Vì vậy, người mang gen bệnh sẽ không có biểu hiện lâm sàng, tỷ lệ mắc bệnh và mang gen bệnh ở cả hai giới là như nhau nên khi hai vợ chồng có biểu hiện bình thường vẫn có khả năng sinh con bị bệnh Thalassemia.
Bệnh Thalassemia là bệnh chữa được nhưng không khỏi nên bệnh nhân Thalassemia sẽ làm tăng gánh nặng cho xã hội vì họ không thể làm việc và cần được chăm sóc. Tư vấn, sàng lọc trước hôn nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng bệnh Thalassemia.


Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, địa hình đa dạng với đầy đủ các vùng sinh thái đồng bằng, ven biển và trung du miền núi; là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 cả nước. Qua nghiên cứu “Khảo sát tình hình mang gen Thalassemia và bệnh huyết sắc tố ở một số dân tộc ít người ở miền núi phía bắc Việt Nam” của viện Huyết học – Truyền máu Trung ương năm 2017, tại Thanh Hóa nghiên cứu được tiến hành với 817 người tham gia thuộc dân tộc Mường và dân tộc Thái, cho kết quả tỷ lệ mang gen đột biến Thalassemia và bệnh huyết sắc tố cao nhất ở người Mường (41,4%), sau đó đến người Thái (38%).

Việc triển khai thực hiện Dự án “Phòng, chống bệnh Thalassemia” tại tỉnh Thanh Hóa năm 2022 nằm trong Chương trình triển khai hoạt động Phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phòng, chống bệnh Thalassemia tại tỉnh Thanh Hóa; nhằm mục tiêu giảm số trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân Thalassemia người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại, góp phần nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền và hiện nay đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo một nghiên cứu mà Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố từ năm 2017 thì có những dân tộc tỷ lệ người mang gen lên tới gần 40%, chủ yếu tại các đồng bào dân tộc ít người phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đối với dân tộc Kinh, tỷ lệ người mang gen cũng xấp xỉ 10%. Xuất phát từ thực tế đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đề xuất với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Việc hoạt động phòng bệnh Thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, giúp triển khai đồng bộ các chương trình truyền thông, tư vấn, tầm soát gen bệnh và nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các địa phương. Đồng thời là tiền đề để đẩy mạnh các hoạt động đẩy lùi căn bệnh này trên cả nước.
Trong giai đoạn I của chương trình (2021-2025), hoạt động phòng bệnh Thalassemia được thực hiện tại 5 tỉnh (Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang và Nghệ An). Chương trình sẽ tập trung vào các hoạt động: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về bệnh Thalassemia; tập huấn, nâng cao kiến thức về bệnh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và tiến tới xây dựng mô hình tầm soát bệnh Thalassema tại địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, chia sẻ tình hình thực hiện các biện pháp tư vấn, sàng lọc bệnh Thalassemia đã được triển khai cũng như những khó khăn hiện tại của đơn vị. Bên cạnh đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng đã lấy mẫu máu và triển khai xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia cho tất cả các đại biểu tham dự hội nghị.


Chiều cùng ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức tập huấn cho các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi, huyết học – truyền máu… của tỉnh Thanh Hóa về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh Thalassemia.
TÔ HÀ
Nguồn: Báo Thanh Hóa, ngày 08/11/2022
Link bài viết tại đây.